Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Thành công 25 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng


THÀNH CÔNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG
SAU 25 NĂM THỰC HIỆN

                                                                           BS CKI. Tô Văn Lành
Phó giám đốc trung tâm Y tế Cái Nước
Năm 1985, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên toàn quốc với 6 bệnh phổ biến và nguy hiểm cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi. Đáng ghi nhận là đến nay Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, đang tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012. Từ năm 1997, bốn vắc xin mới được đưa vào TCMR là viêm gan B, viêm não Nhật Bản, thương hàn và tả và đặc biệt hiện nay đã có vắc xin 5 trong 1 (Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viên gan B, Hib).
Trong suốt 25 năm qua, dưới sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, đoàn thể xã hội, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với sự nổ lực của ngành Y tế, đặc biệt hệ Y tế dự phòng, chương trình TCMR đã bao phủ khắp địa phương trong toàn tỉnh, hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Bằng tiêm chủng vắc xin, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần, nhiều bệnh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. So sánh giữa năm 1985, năm bắt đầu triển khai TCMR và năm 2009, tỷ lệ mắc ho gà giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần… Hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được hầu hết vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm một số vắc xin khác như: quai bị, Hib, Rubella, viêm màng não mô cầu, dại tế bào, cúm gia cầm H5N1, cúm mùa. Đây là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ngành Y tế Việt Nam những năm qua.
Tỉnh Cà Mau, bước đầu thực hiện chương trình TCMR cũng gặp không ít khó khăn, hệ thống y tế làm công tác TCMR còn thiếu và yếu, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, ý thức người dân về tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em còn nhiều hạn chế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mỗi đợt tiêm chủng, các xã chia thành nhiều điểm nhỏ để tiêm phòng cho trẻ, thậm chí, nhiều nơi còn thành lập các đội tiêm chủng đến tận hộ dân. Bởi vậy, những đợt tiêm chủng hàng tháng, cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh cũng phải tăng cường cho tuyến xã. Mặt khác, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm, mặc dù cán bộ y tế các tuyến đã có kỹ năng, song hàng năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tiêm, kỹ năng bảo quản vắc xin, sử dụng bơm kim tiêm, hộp an toàn, hủy bơm kim tiêm... cho đội ngũ này. Trong quá trình tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, và huyện luôn nhắc nhở mọi người phải chú trọng khám phân loại trước khi tiêm để phát hiện những trường hợp bất thường, như có bị ốm, sốt, dị ứng v.v.. hay không; chú ý theo dõi các phản ứng sau tiêm, dấu hiệu nhận biết của phản ứng, cách xử trí; hướng dẫn gia đình theo dõi trẻ sau tiêm... Để đảm bảo an toàn trong quá trình bảo quản vắc xin, các xã trên địa bàn đều được trang bị tủ bảo quản vắc xin; phích để vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm; được trang bị nhiệt kế đo lạnh, hộp chống sốc v.v.. Đội ngũ cộng tác viên y ấp, khóm cũng được tăng cường, củng cố thường xuyên ở tất cả ấp, khóm trên địa bàn để thực hiện tốt việc theo dõi trẻ sau tiêm, tuyên truyền vận động nhân dân có kiến thức và thay đổi hành vi tốt về công tác tiêm chủng, từ đó họ tự nguyện tham gia thực hiện chương trình
Tỷ lệ trẻ em, tỷ lệ phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi tiêm chủng hàng năm trong tỉnh Cà Mau đều đạt > 95%. Hiện nay các điểm tiêm cố định được duy trì thường xuyên tại trạm Y tế xã, thị trấn, ý thức người dân ngày càng được nâng cao, hàng tháng từ ngày 1 đến ngày 6 người dân họ tự giác đem con, em đến các điểm tiêm trên địa bàn để thực hiện tiêm chủng. Đây là một trong những hành vi tốt của người dân và thành công lớn của chương trình TCMR trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần được duy trì và nhân rộng./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét