Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Sáng kiến kinh nghiệm "Chăm sóc răng miệng"


SÁNG KIẾN

CHĂM SÓC VÀ VỆ SINH RĂNG MIỆNG 
CỦA HỌC SINH THCS TẠI XÃ TRẦN THỚI
HUYỆN CÁI NƯỚCM 2011


I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, khi mà giao tiếp và các mối quan hệ xã hội ngày càng được mở rộng, giá trị của sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ vì vậy cũng được nâng cao một cách rõ rệt. Mức độ nghiêm trọng của bệnh răng miệng được đánh giá tương tự như các bệnh mạn tính khác, có khả năng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống ngay từ thời ấu thơ cho đến tận tuổi già. Gánh nặng tốn kém của các bệnh về răng miệng chiếm từ 5% đến 10% tổng chi phí cho điều trị các bệnh tim mạch, ung thư, loãng xương ở các nước phát triển[8]
Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt Quốc Gia, 99,4% dân số Việt Nam mắc các bệnh răng miệng. Tỉ lệ sâu răng ở độ tuổi dưới 18 là gần 90% (với 2,84 chiếc răng sâu/người) [10]. Ngành Y tế nước ta đã và đang có những sách lược ứng phó nhằm cải thiện tình trạng trên. Một trong những chiến lược được xem là hiệu quả nhất là sự đầu tư đến việc giáo dục nâng cao kiến thức về sức khỏe răng miệng tại các trường học [11]. Nhu cầu đặt ra là cần phải có những nghiên cứu lượng giá kiến thức, thái độ và thực hành về vệ sinh răng miệng của học sinh, làm cơ sở cho các chương trình can thiệp của nha khoa phòng ngừa. Tại xã Trần Thới nói riêng và trong huyện Cái Nước nói chung, những nghiên cứu như vậy càng cần thiết hơn. Tình trạng sức khỏe răng miệng tại địa phương nằm trong xu hướng chung của cả nước và hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về vệ sinh răng miệng được tiến hành.
Được kết quả nghiên cứu này sẽ chỉ ra một số điểm hạn chế trong kiến thức, thực hành về vệ sinh răng miệng của học sinh, đồng thời đưa ra kiến nghị định hướng cho công tác giáo dục truyền thông chương trình chăm sóc răng miệng tại địa phương có hiệu quả trong việc vệ sinh răng miệng và đem lại sức khỏe tốt cho thế hệ mai sau
 Mục tiêu sáng kiến
Xác định tỉ lệ học sinh có kiến thức, thực hành đúng và tỉ lệ tiếp cận các nguồn thông tin về vệ sinh răng miệng của học sinh THCS tại xã Trần Thới, huyện Cái Nước năm 2011.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
2.1. Cơ sở lý luận
Cùng với quá trình phát triển và hoàn thiện các cơ quan, chức năng khác của cơ thể, tuổi học đường cũng là thời gian cho trẻ hoàn thiện hàm răng của mình. Nhưng cũng chính trong thời gian này, có rất nhiều nguy cơ làm phát sinh những bệnh răng miệng ở trẻ, tuy nhiên các bệnh này đều có thể phòng tránh được nếu chúng ta hướng dẫn cho trẻ biết cách chăm sóc và bảo vệ.
Cho đến nay, bệnh răng miệng hay gặp nhất ở tuổi học đường là bệnh sâu răng sữa và viêm lợi. Sâu răng sữa xuất hiện ở trẻ chưa hoặc bắt đầu thay sang răng vĩnh viễn, đây là lứa tuổi bắt đầu đến trường (lớp 1). Tình trạng sâu răng sữa cũng có thể xuất hiện trước khi trẻ đến trường với biểu hiện nhiều răng bị “sún”. Khi chưa thay răng, răng sữa của trẻ thường chỉ có 20 chiếc. Đặc điểm của răng sữa là kết cấu không bền vững, mềm và dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng, do vậy răng sữa rất hay bị sâu. Nếu không được điều trị tốt, răng sữa bị sâu sẽ lây lan nhanh sang các răng lành khác và là điều kiện thuận lợi làm cho các răng vĩnh viễn mọc sau đó tiếp tục mắc phải căn bệnh này [5].
Khi mới bắt đầu sâu, cũng như sâu răng ở người lớn, trên răng sữa của trẻ xuất hiện những đốm màu sậm như cà phê rồi trở nên đen. Các vết đen này ngày một ăn sâu vào trong thân răng làm mòn răng gây đau nhức, khó nhai, thậm chí là sốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương quai hàm và viêm tủy xương hàm ở trẻ, đi cùng với bệnh sâu răng sữa là tình trạng viêm lợi. Đây là 2 bệnh có quan hệ với nhau. Khi lợi bị viêm sẽ đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi. Vì lợi bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên làm cho tình trạng viêm tiếp tục nặng hơn và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển, nếu đã có sâu răng rồi thì càng nặng hơn. Viêm lợi còn là giai đoạn đầu của quá trình viêm quanh răng, khi bệnh đã nặng thì lợi sẽ không còn bám chắc vào răng nữa mà hình thành các túi lợi, các dây chằng của răng và xương bị vi khuẩn xâm nhập, phá huỷ. Trong các túi lợi chứa đấy mảng bám cao răng và vi khuẩn. Quá trình này diễn ra lâu và không được điều trị sẽ làm lung lay và rụng răng [3].
Bên cạnh đó thì tình trạng thay răng không được chăm sóc tốt, sâu răng, răng bị “sún” làm cho nhiều trẻ có hàm răng vĩnh viễn mọc lệch lạc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và còn là điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn phát triển ở những chỗ răng mọc chen chúc, răng mọc lệch khiến quá trình đánh răng không làm sạch được, sẽ gây ra các bệnh răng miệng sau này [1].
Có nhiều trẻ sinh ra kết cấu răng không đủ vững chắc do trong quá trình mang thai, người mẹ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất có lợi cho răng. Vì thế khi sinh nở không chỉ chất lượng hàm răng của người mẹ bị giảm sút mà chất lượng răng của trẻ cũng bị ảnh hưởng, làm cho răng của trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công gây sâu răng. Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng và viêm lợi là vệ sinh răng miệng không sạch và không thường xuyên [2].
Trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn có trong vòm miệng phát triển tấn công răng và lợi. Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng lên men trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Hầu hết trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng [9].
Trong thời gian thay răng, nhiều trẻ có thói quen lung lay răng sữa bất kể khi nào, thậm chí kể cả khi đang chơi. Tay trẻ không sạch khi đưa vào miệng để lung lay răng đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, chỗ răng bị lung lay đang bị tổn thương ít nhiều trở thành yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm sưng lợi cũng như các vị trí khác trong khoang miệng [11].
2.2. Thực trạng về vệ sinh răng miệng hiện nay
Sâu răng là một trong ba mối nguy hàng đầu cho sức khỏe sau ung thư và tim. Đây là mối lo bởi theo thống kê của WHO thì có đến 60-90% trẻ ở độ tuổi 6-18 bị sâu răng[1].
Hiện nay trên thế giới, bệnh sâu răng trở thành vấn đề được quan tâm. Theo nghiên cứu thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở một số nước trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2008, tỷ lệ trẻ đến tuổi 12 mắc bệnh sâu răng rất cao. Tại Việt Nam, theo kết quả cuộc “Điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc” của Viện Răng Hàm Mặt TP HCM thực hiện, tỷ lệ trẻ bị sâu răng trong nhóm tuổi 6-8 là 25,4% và tăng lên theo từng nhóm tuổi lần lượt là 54,6% ở nhóm 9-11 tuổi; 64,1% ở nhóm 12-14 tuổi và 68,6% ở nhóm 15-17 tuổi [10].
Cuộc khảo sát cũng cho thấy một kết quả “đáng giật mình” là hai phần ba số trẻ 6-14 tuổi không khám răng miệng thường xuyên dẫn đến 85% học sinh tiểu học bị sâu răng và 100% học sinh không thực hiện đánh răng đầy đủ 3 lần một ngày. Những trẻ này thường lơ là, trốn đánh răng hay chỉ súc miệng sơ qua bằng nước lã trước khi đi ngủ. Điều này rất đáng quan tâm vì việc vệ sinh răng miệng kém sẽ tạo điều kiện gây nên bệnh sâu răng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, liên đoàn Nha khoa quốc tế (FDI) cũng cảnh báo nước ta là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em mắc bệnh sâu răng cao nhất trên thế giới hiện nay.
Sâu răng giờ đây trở thành căn bệnh phổ biến trong cuộc sống văn minh hiện đại, các bậc phụ huynh dường như không chú ý mấy đến vấn đề vệ sinh răng miệng cho trẻ. Trước những thực trạng đáng lo ngại như vậy, việc chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ cần phải được xem là mối quan tâm hàng đầu của các ông bố bà mẹ và không nên xem nhẹ bệnh sâu răng
2.3. Các bước tiến hành
2.3.1. Đối tượng nghiên cứu: Tất cả các em học sinh trường THCS xã Trần Thới, huyện Cái Nước năm học 2010-2011
2.3.2. Tiêu chuẩn chọn mẫu
2.3.2.1. Tiêu chuẩn chọn vào
- Các em học sinh đang học tại trường THCS xã Trần Thới, huyện Cái Nước năm học 2010-2011
- Đồng ý tham gia vào nghiên cứu
- Đồng ý trả lời đầy đủ các câu hỏi trong bảng điều tra
2.3.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ
- Không chấp nhận tham gia nghiên cứu
- Vắng mặt trong thời gian điều tra
- Đang bị bệnh không tham gia nghiên cứu
2.3.3. Các bước tiến hành
2.3.3.1. Công tác tổ chức
- Báo cáo đề cương về Trung tâm Y tế ngay đầu năm
- Thông báo cho Ban giáo hiệu nhà trường biết về hình thức và nội dung đề tài sáng kiến tại trường THCS
- Thành lập 01 tổ thu thập số liệu, gồm 02 người (1 Trạm Y tế 01 người và thầy hoặc cô giáo tại điểm trường 01 người)
2.3.3.2. Tiến hành thu thập số liệu:
Thông báo lịch thu thập số liệu trước 01 (một) tuần cho nhà trường sắp xếp và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ thu thập
III. KẾT QUẢ
Dân số nghiên cứu 620 học sinh, trong đó tỉ lệ nam nhiều hơn tỉ lệ nữ, bao gồm 53% nam và nữ 47%. Số lượng học sinh phân bố nơi ở tương đối đồng đều ở từng khối lớp. Về học lực, tỉ lệ học sinh có học lực cao (55%) nhiều hơn so với nhóm có học lực thấp (45%). Về trình độ học vấn của cha mẹ học sinh, đa số phụ huynh có trình độ ở mức cấp hai và cấp ba, chiếm 67% ở cha và 65% ở mẹ.

3.1. Kiến thức về vệ sinh răng miệng của học sinh

3.1.1. Kiến thức về chải răng
Phần lớn học sinh được khảo sát (71%) biết được từ hai lợi ích trở lên của việc chải răng đúng cách nhưng chỉ có 10% số này có kiến thức về phương pháp chải răng hiệu quả. Như vậy, tỉ lệ học sinh có kiến thức chung đúng về chải răng chiếm 8% tổng số.
3.1.2. Kiến thức về khám răng định kỳ 
Tỉ lệ học sinh cho biết là cần đi khám răng định kỳ dưới sáu tháng một lần là 59%. Đáng chú ý là 22% trong tổng số học sinh cho rằng chỉ đến nha sĩ khi có vấn đề về răng miệng, kiểm tra răng định kỳ là hoàn toàn không cần thiết. Một số ít học sinh hoàn toàn không biết nên khám răng định kỳ khi nào (2%).
3.1.3. Kiến thức về chất flour
Tỉ lệ học sinh có kiến thức đúng về tác dụng của chất flour là làm cho răng chắc khỏe hơn chiếm 25% tổng số và có đến 53% số học sinh được hỏi hoàn toàn không biết gì về tác dụng của flour. Hai biện pháp bổ sung flour được học sinh THCS biết nhiều nhất là dùng kem đánh răng có flour (39%) và súc miệng với dung dịch có flour (35%).
3.1.4. Kiến thức về một số bệnh liên quan đến vệ sinh răng miệng
Đa số học sinh nhận thức được là phải vệ sinh tốt răng miệng và ăn ít thực phẩm có đường (86% và 78%). Tỉ lệ học sinh cho rằng khám răng định kỳ và bổ sung flour có thể phòng ngừa được sâu răng thì thấp hơn nhiều, tương ứng chiếm 49% và 36% tổng số. Hai dấu hiệu được biết nhiều nhất là nướu răng sưng to và dễ chảy máu. Đáng chú ý là có đến 41% trong tổng số học sinh hoàn toàn không biết được thế nào là nướu răng có bệnh.

3.2. Thực hành về vệ sinh răng miệng

3.2.1. Thực hành về chải răng
Phương pháp chà ngang được sử dụng phổ biến nhất (32%). Tỉ lệ học sinh thực hành phương pháp Bass còn rất hạn chế (2%). Kết quả nghiên cứu còn cho thấy có khoảng 38% số học sinh không có cách chải răng cố định. Về tần suất thực hành chải răng trong ngày, đa số học sinh được hỏi đều chải răng từ hai lần trở lên (50%) và số học sinh chỉ chải răng duy nhất một lần trong ngày chiếm 17% trong tổng số. Tỉ lệ học sinh có thực hành chải răng trên ba lần trong một ngày chiếm tỉ lệ thấp nhất (2%). Thời điểm chải răng phổ biến của các em học sinh là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy, chiếm tỉ lệ tương ứng là 84% và 95%. Tỉ lệ học sinh có thực hành chải răng ngay sau khi ăn chính thấp nhất (9%). Với những học sinh chải răng một lần trong ngày, thời điểm chải răng thường là buổi sáng sau khi thức dậy. Tỉ lệ học sinh có thực hành chung đúng về chải răng chỉ chiếm 1% do số học sinh có thực hành đúng về phương pháp chải răng khá khiêm tốn, chiếm 2% tổng số.
3.2.2. Thực hành khám răng định kỳ
Số học sinh có đến nha sĩ trong sáu tháng gần đây chiếm tỉ lệ cao nhất (34%), đáng chú ý là có 23% tổng số cho biết chưa bao giờ đi khám răng. Số học sinh có thực hành khám răng định kỳ từ một lần tở lên trong một năm còn chiếm 20% trong tổng số; đáng chú ý là có đến 72% số học sinh được khảo sát không bao giờ khám răng định kỳ.           
3.2.3. Thực hành sử dụng thực phẩm có đường, axit giữa các bữa ăn chính
Thói quen sử dụng thực phẩm có đường giữa các bữa ăn chính khá phổ biến; 48% số học sinh được khảo sát dùng các thức ăn có đường từ một đến hai lần trong ngày và 22% số này dùng hơn hai lần. Tần suất sử dụng thức uống có đường có thấp hơn so với các thức ăn ngọt, tỉ lệ học sinh dùng thức uống có đường dưới một lần trong ngày chiếm đa số (51%). 

IV. BÀN LUẬN

Đặc trưng của mẫu nghiên cứu, tỉ lệ học sinh tham gia nghiên cứu là 100% và không có tình trạng mất mẫu xảy ra. Mẫu nghiên cứu có tỉ lệ học sinh nam nhiều hơn nữ. Số lượng học sinh phân bố ở các khối lớp của dân số mẫu tỉ lệ với dân số mục tiêu. Về học lực, số học sinh có mức khá và giỏi có ít hơn so với nhóm có học lực trung bình và yếu. So với mức trung bình chung về học lực của học sinh tại, tỉ lệ học sinh khá, giỏi của mẫu có thấp hơn nhưng không đáng kể (5%). Đa số học sinh được chọn trong nghiên cứu có cha, mẹ với mức học cấp hai và ba (67%, 65%). Tuy có sự chênh lệch giữa ba nhóm trình độ học vấn của cha mẹ nhưng kết quả này phù hợp với tình hình văn hóa - giáo dục của địa phương.

4.1. Kiến thức về vệ sinh răng miệng của học sinh

4.1.1. Kiến thức về chải răng
Tỉ lệ học sinh biết về phương pháp chải răng đúng khá khiêm tốn (10%). Kết quả này thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Cao Thị Kim Hoa (53%)[1] và nghiên cứu của Lê Thị Kim Oanh (91%)[10]. Sự chênh lệch này có thể là do đối tượng nghiên cứu của hai tác giả trên là học sinh tiểu học, vẫn còn chịu tác động giáo dục của chương trình Nha học đường. Riêng với nghiên cứu này, khảo sát trên đối tượng là học sinh THCS, không còn được hướng dẫn chăm sóc ng miệng vì thế mà kiến thức về phương pháp chải răng cũng không còn được nhớ chính xác. Về lợi ích của việc chải răng đúng cách, tỉ lệ này có sự chênh lệch khá lớn với kiến thức về phương pháp chải răng. Nguyên nhân có thể không loại trừ trường hợp một số học sinh trả lời ngẫu nhiên hay do phương pháp chải răng đã có sự thiếu sót trong quá trình nhớ lại trong khi lợi ích của chải răng có thể nắm bắt được nhờ tư duy của bản thân học sinh. Do tỉ lệ học sinh có kiến thức đúng về phương pháp chải răng không cao nên khi đánh giá kiến thức chung về chải răng, tỉ lệ học sinh đạt thấp. Sự thiếu hụt kiến thức về phương pháp Bass của học sinh là vấn đề cần được chú ý.  
4.1.2. Kiến thức về khám răng định kỳ
Tỉ lệ học sinh có kiến thức đúng về thời điểm cần đi khám răng định kỳ là 59%. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Đức Duy (73%) [6]. Đáng chú ý trong nghiên cứu này là có đến 22% tổng số cho rằng chỉ đi khám răng khi bản thân có vấn đề về răng miệng. Khám răng định kỳ giúp phát hiện các vấn đề răng miệng tiềm ẩn mà tự bản thân người bệnh không phát hiện được, nhằm điều trị kịp thời và giảm thiểu hậu quả của bệnh. Vai trò của khám răng định kỳ là quan trọng, nội dung này cần được chú ý nhấn mạnh hơn trong quá trình giáo dục sức khỏe răng miệng cho học sinh.
5.1.3. Kiến thức về chất flour
Số học sinh nhận biết flour như một chất bảo vệ men răng chỉ chiếm 25% tổng số học sinh được hỏi, thấp hơn rất nhiều khi khảo sát nội dung trên với đối tượng là học sinh tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh (63%) [6] (theo Cao Thị Kim Hoa). Về kiến thức các cách bổ sung flour cho cơ thể, một nửa số học sinh hoàn toàn không biết cách nào để bổ sung flour cho cơ thể và phương pháp được biết nhiều nhất là dùng kem đánh răng có flour cũng chỉ chiếm 39% tổng số, có thể do hiểu biết về vai trò của flour không cao đã dẫn đến sự quan tâm và kiến thức về việc bổ sung flour cũng có giới hạn.
4.1.4. Kiến thức về phòng ngừa sâu răng
Hầu hết các em học sinh nhận thức được cần phải vệ sinh răng miệng thật tốt và ăn ít thực phẩm có đường để phòng ngừa sâu răng. Kết quả có cao hơn so với báo cáo của Ernesto Smyth [4] với 80%  học sinh cho rằng vệ sinh răng miệng tốt và 66% học sinh biết được ăn ít đường sẽ tránh được bệnh sâu răng. Nhưng khi so sánh kết quả hiểu biết về việc sử dụng flour và khám răng định kỳ như là một yếu tố phòng ngừa thì tỉ lệ này có thấp hơn đôi chút so với nghiên cứu của Smyth. Thực tế, rất ít người có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng và một phần có thể do sự thiếu kiến thức về tầm quan trọng của việc khám răng định kỳ như đã đề cập ở phần trên. Một bệnh nhân bị sâu răng thường chỉ đến nha sĩ khi sang thương trên răng đã phát triển rộng, gây đau đớn. Bệnh sâu răng rất khó phát hiện bằng mắt thường khi đang ở giai đoạn sâu men [9], chỉ khi đến khám răng, nha sĩ mới phát hiện, xử trí kịp thời. Có thể do hạn chế trong việc hiểu biết về chất flour cho nên số học sinh chọn việc bổ sung flour như là một cách để phòng ngừa sâu răng chiếm tỉ lệ thấp hơn so với các yếu tố còn lại (36%).
4.1.5. Kiến thức về dấu hiệu viêm nướu
Viêm nướu răng là giai đoạn đầu của bệnh nha chu [2]. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho công tác điều trị dễ dàng hơn, giảm thiểu được những hậu quả nặng nề khi bệnh chuyền sang giai đoạn viêm nha chu. Nội dung mà chúng tôi khảo sát được chọn từ tài liệu giáo dục sức khỏe cho lớp bốn của chương trình Nha học đường. Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu, có đến 41% hoàn toàn không biết về dấu hiệu của nướu răng bị bệnh. Ở Việt Nam, hệ thống nha khoa công cộng chưa thực sự phát triển [11]. Vì vậy mà việc giáo dục cho người dân biết dấu hiệu các bệnh thông thường là rất cần thiết, giúp nâng cao chất lượng sức khỏe, giảm chi phí cho y tế.

4.2. Thực hành về vệ sinh răng miệng

4.2.1. Thực hành về chải răng
Như đã trình bày ở phần kiến thức, sự hiểu biết của học sinh về phương pháp Bass rất hạn chế, có lẽ như vậy mà tỉ lệ học sinh thực hành đúng về chải răng vẫn còn thấp và thấp hơn so với một vài nghiên cứu đã tiến hành trước đó. Kết quả khảo sát  của Vũ Thị Thúy Hồng cho thấy tỉ lệ này ở học sinh 12 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh  là 15%. Nghiên cứu của Ling Zhu ở học sinh 12 tuổi vùng nông thôn Trung Quốc cũng cho kết quả cao hơn (44%). Phương pháp Bass không khó nhưng đòi hỏi tập trung và khéo léo của người làm. Trong khi đó, những phương pháp chà ngang hay Roll lại được cộng đồng dễ chấp nhận do dễ thực hiện và được phổ biến trước phương pháp Bass rất nhiều năm [5], [8]. Về số lần chải răng, số học sinh cho biết chải răng từ hai lần trở lên trong ngày chiếm 83%, thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Đức Duy khi khảo sát ở học sinh THCS tại thành phố Hồ Chí Minh (95%) [5]. Với thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống y tế và việc tiếp cận các thông tin khá phát triển, điều này góp phần nâng cao ý thức chăm sóc răng miệng của người dân. Bản thân học sinh ý thức được phải chải răng thường xuyên cùng với sự nhắc nhở của mọi người xung quanh, đã dần nâng tần suất chải răng của đại bộ phận học sinh tại thành phố cao hơn so với nơi khác. Về thời điểm chải răng trong ngày, đa số các em có thực hành chải răng vào buổi sáng sau khi thức dậy. Với những học sinh chải răng từ hai lần trở lên trong ngày thì có thực hành vào buổi tối và buổi sáng sau khi thức dậy. Bên cạnh mục tiêu mô tả về thời điểm chải răng chúng tôi còn sử dụng thông tin biến số này như một cách để kiểm tra độ chính xác của tỉ lệ đáp ứng với số lần chải răng trong ngày của học sinh.
4.2.2. Thực hành về khám răng định kỳ
Tỉ lệ học sinh có khám răng định kỳ hàng năm là 20% có thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Cao Thị Kim Hoa (62%) [1]. Sự khác biệt này có thể giải thích bởi đối với học sinh THCS, khi tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc răng miệng phải chi trả hoàn toàn chi phí. Tại địa phương, thành phần lao động đông nhất là nghề nông [8], thu nhập thấp hơn so với mức trung bình chung tại thành phố Hồ Chí Minh, gia đình có điều kiện để quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe nói chung trong đó có răng miệng của các em học sinh hơn.
4.2.3. Thực hành dùng các loại thực phẩm có đường, axit giữa các bữa ăn chính
Thói quen sử dụng các loại thức ăn, thức uống có đường và axit giữa các bữa ăn chính là tương đối phổ biến. Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế là sự phát triển ồ ạt của ngành công nghiệp thực phẩm, bánh ngọt, nước giải khát có đường [7], dự báo số lượng đường tiêu thụ trên đầu người đang không ngừng gia tăng. Các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục và y tế cần có ngay những chiến lược nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng của các em học sinh trước tình trạng các thực phẩm này xâm nhập vào trường học.

V. KẾT LUẬN 

Hai nguồn cung cấp thông tin về vệ sinh răng miệng phổ biến cho học sinh THCS tại Trần Thới từ cha m(69%) và nguồn thông tin đại chúng (31%). Qua khảo sát 620 học sinh trường THCS xã Trần Thới ta thấy: nhìn chung tỉ lệ học sinh có kiến thức về vệ sinh răng miệng còn rất thấp: Chải răng đúng cách là 8%; chất flour là 18%; phòng ngừa sâu răng là 18%; dấu hiệu viêm nướu là 51%; khám răng định kỳ là 59%. Tỉ lệ học sinh có thái độ tốt về: Khám răng định kỳ là 77%; chải răng là 94%. Tỉ lệ học sinh có thực hành đúng về: Chải răng là 1%; khám răng định kỳ là 20%; sử dụng thực phẩm có đường giữa các bữa ăn chính là 30%; sử dụng thức uống có đường giữa các bữa ăn chính là 52%; sử dụng thức uống có axit giữa các bữa ăn chính là 75%.
            Kiến thức, thực hành về vệ sinh răng miệng của học sinh THCS tại xã Trần Thới, huyện Cái Nước ở mức tương đối thấp. Hai nguồn cung cấp thông tin phổ biến về vệ sinh răng miệng là nha sĩ và cha mẹ. Kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh răng miệng ảnh hưởng nhiều bởi học lực, khối lớp và trình độ học vấn của cha mẹ.  
            Vấn đề thực hành chăm sóc răng miệng của học sinh THCS tại địa phương thật sự đángu tâm. Đưa kiến thức về các phương pháp vệ sinh răng miệng mới vào giáo dục trong trường học là điều cần thiết. Cha mẹ và thầy cô giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng kiến thức, thực hành vệ sinh răng miệng của các em học sinh.
VI. KIẾN NGHỊ
1. Củng cố các phòng nha tại các trường học, có biên chế cho cán bộ y tế tại các điểm trường
2. Tập huấn các thầy cô hướng dẫn về vệ sinh răng miệng cho học sinh
3. Tăng cường công tác truyền thông về vệ sinh răng miệng tại các điểm trường kể cả các trường Mầm Non và Tiểu học cơ sở
4. Tăng cường truyền thông về vệ sinh răng miệng trên các phương tiện thông tin đại chúng
5. Duy trì công tác khám răng định kỳ cho các em học sinh tại các điểm trường học trên địa bàn huyện








TÀI LIỆU THAM KHẢO

            1. Đào Thị Hồng Quân, Nha khoa phòng ngừa. Tài liệu lưu hành nội bộ, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 1999: 22-35, 51-59, 122-134.
            2. Đào Thị Hồng Quân, Xã hội học và sức khỏe răng miệng. Nha khoa công cộng- tập 2. Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 1999: 144-145.
            3. Điều tra sức khỏe răng miệng Việt Nam. Viện Răng Hàm Mặt Quốc Gia, 2007.
            4. Ngô Đồng Khanh, Điều tra sức khỏe răng miệng. Viện Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh, 1997: 14-29.
            5. Nguyễn Đức Duy, Kiến thức, thái độ, thực hành về sức khỏe răng miệng của học sinh THCS tại quận hai, quận sáu TP. Hồ Chí Minh. Luận văn cử nhân. Khoa Y Tế Công Cộng, Đại Học Y Dược TP.HCM, 2005: 13-26.
            6. Nguyễn Thị Tịnh, Ngô Đồng Khanh. Chọn lựa phương pháp chải răng thích hợp cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo và cấp một ở Việt Nam. Kỷ yếu công trình khoa học 1975-1993. Viện Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh: 38-43.
            7. Nhóm chuyên gia tư vấn phối hợp WHO/FAO, Các khuyến nghị về dự phòng các bệnh về răng. Chế độ ăn, dinh dưỡng và dự phòng các bệnh mãn tính, 2003, 916: 123-148.
            8. Trần Thúy Nga, Phan Thị Thanh Yên, Phan Ái Hùng, Đặng Thị Nhân Hòa. Nha khoa trẻ em. Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược TP.Hồ Chí Minh: NXB Y học, 2001: 156-179, 389-425.
            9. Viện Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh. Nha khoa công cộng. Kỷ yếu công trình khoa học 1994-2000, 2000: 9-16.
            10. Vũ Thị Kiều Diễm, Đánh giá hiệu quả chải răng có theo dõi trên tình trạng vệ sinh răng miệng của học sinh một trường tiểu học tại thành phố HCM. Luận văn thạc sĩ y học. Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 2005: 60-67.
            11. Vũ Thị Thúy Hồng, Huỳnh Anh Lan, Võ Đắc Tuyến, Tình trạng mảng bám răng ở học sinh 12 tuổi. Tuyển tập công trình nghiên cứu  khoa học răng hàm mặt 2008. NXB Y Học:74-80.


2 nhận xét: