Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Nghiên cứu khoa học "An toàn vệ sinh thực phẩm"


CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
TẠI HUYỆN CÁI NƯỚC - CÀ MAU NĂM 2010
BS.CKI. Tô Văn Lành
TÓM  TẮT
Đặt vấn đề: Thực phẩm (TP) là nhu cầu thiết yếu cho sự sống để giúp cho cơ thể con người phát triển và khỏe mạnh,, sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn, nhiễm độc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả. Được tiến hành bằng cách phỏng vấn trực tiếp NTD từng hộ gia đình theo bộ câu hỏi được soạn sẵn.
Kết quả nghiên cứu: Về trình độ học vấn: NTD có trình độ học vấn cấp 1 chiếm 44,07%, cấp 2 chiếm 34,81%, cấp 3 chiếm 14,81% và trên cấp 3 chiếm 6,3%. Về công tác truyền thông: NTD tiếp cận các nguồn truyền thông về VSATTP từ đoàn thể, bạn bè, người thân 60,4%; từ thông tin đại chúng 44,4%; từ cán bộ y tế 35,2. Về kiến thức: Tỉ lệ NTD có kiến thức chung đúng về VSATTP là 81,48%. Về thực hành: Tỉ lệ NTD có thực hành chung đúng về VSATTP là 62,22%.
Kết luận: Kiến thức và thực hành đúng về VSATTP của NTD nơi khảo sát tương đối cao. Trình độ học vấn có ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi về kiến thức và thực hành. Công tác truyền thông hiện nay có thay đổi đáng kể về mặt kiến thức VSATTP của NTD
ĐẶT  VẤN  ĐỀ
Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu cho sự sống để giúp cho cơ thể con người phát triển và khỏe mạnh. Sử dụng TP nhiễm bẩn, nhiễm độc không đảm bảo VSATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2000, hơn 1/3 dân số các nước phát triển bị ảnh hưởng của các bệnh do TP gây ra mỗi năm. Đối với các nước đang phát triển, tình trạng này lại càng trầm trọng hơn, hàng năm gây tử vong trên 2,2 triệu người. Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2007 chỉ tính ngộ độc thực phẩm phải đi bệnh viện cấp cứu đã có 1.391 vụ ngộ độc cấp tính, với 25.509 người mắc và hơn bốn triệu người mắc các bệnh lây truyền qua TP như tả, lỵ, thương hàn...[1],[5].
Những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, thực hành và ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng, người sản xuất, kinh doanh và NTD về VSATTP chưa cao. Các công trình nghiên cứu cho thấy trên 60% tỷ lệ NTD thiếu kiến thức về VSATTP, 40% tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng ngộ độc thực phẩm chủ yếu do thức ăn bị thiêu và rau, quả chưa sạch... [2],[3],[4]
Đảm bảo VSATTP không những làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tăng cường sức lao động, kéo dài tuổi thọ mà còn cải thiện giống nòi. Vì vậy việc xác định kiến thức và thực hành về VSATTP và mối liên quan đến kiến thức và thực hành của NTD về VSATTP là rất quan trọng và cần thiết.
Mục tiêu nghiên cứu
Xác định tỷ lệ người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về VSATTP và mối liên quan đến kiến thức và thực hành đúng của NTD về VSATTP
ĐỐI  TƯỢNG - PHƯƠNG  PHÁP  NGHIÊN  CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang mô tả.
Địa điểm và thời gian nghiên cứu
Các xã, thị trấn thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Từ tháng 03/2010 đến tháng 06/2010
Đối tượng nghiên cứu: Người tiêu dùng
Cỡ mẫu: 270 người.
Phương pháp thu thập dữ liệu
Nghiên cứu được tiến hành bằng cách phỏng vấn trực tiếp NTD theo bộ câu hỏi được soạn sẵn. Để thu thập số liệu chúng tôi tiến hành chọn mẫu nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 chúng tôi ưu tiên thị trấn là vùng đầu tiên được chọn vào, vì đây là vùng trung tâm của huyện, có đặc thù riêng về VSATTP, 10 xã còn lại bốc thăm ngẫu nhiên chọn 02 xã. Giai đoạn 2 chọn ấp bằng cách mỗi xã, thị trấn bốc thăm ngẫu nhiên chọn 03 khóm và 06 ấp. Giai đoạn 3 chọn đối tượng nghiên cứu bằng phương pháp ngẫu nhiên hệ thống
Xử l‎‎ý và phân tích dữ liệu
Sau khi điều tra trực tiếp đối tượng trên, dữ liệu sẽ được làm sạch. Các phiếu điều tra không hợp lệ sẽ bị loại ra, sau đó nhập và phân tích dữ liệu bằng chương trình phần mềm SPSS 12.0.1
KẾT  QUẢ  VÀ  BÀN  LUẬN
Đặc điểm của mẫu nghiên cứu
Tỉ lệ NTD nhóm tuổi từ 26-45 chiếm tỉ lệ cao nhất 64,44%, tiếp theo nhóm tuổi từ 46-55 chiếm 22,22% và nhóm tuổi > 55 chiếm 8,52, thấp nhất là từ 18-25 chiếm 4,81%
Trình độ học vấn của NTD còn thấp, phần lớn các đối tượng trong mẫu có trình độ học vấn cấp I chiếm 44,07%, cấp II chiếm 34,81%, cấp II chiếm 14,81% và trên cấp II chiếm 6,3%. Trình độ học vấn thấp điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp nhận kiến thức về VSATTP.
Trong mẫu nghiên cứu, buôn bán chiếm 41,48%, nông dân chiếm 29,63%, nội trợ chiếm 13,7%, cán bộ chiếm 9,63%.
Truyền thông Giáo dục sức khỏe về VSATTP
Trong mẫu nghiên cứu, tỉ lệ NTD có tiếp xúc với những nguồn thông tin tuyên truyền về VSATTP là 84,1%. Nguồn thông tin được NTD tiếp xúc nhiều nhất là từ đoàn thể, bạn bè, người thân 60,4%, kế đến là qua sách, báo, tivi, truyền thanh, phát thanh 44,4% và thấp nhất qua nguồn thông tin từ cán bộ y tế 35,2%. Mức độ tiếp cận truyền thông từ 3 nguồn 16,44%, từ 2 nguồn 25,6%, từ 1 nguồn 42,2%.
Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm
Bảng 1: Tỉ lệ NTD có kiến thức đúng về các nội dung VSATTP (n = 270)
Tỉ lệ NTD kiến thức đúng về các nội dung VSATTP chiếm thương đối cao, cụ thể như: nhận thức về nơi bán thực phẩm chính HVS 74,4%, thực phẩm tươi, sống HVS 74,8%, thực phẩm đồ hộp, bao gói sẵn đảm bảo an toàn, HVS 68,1%, các loại rau, quả tươi đảm báo hợp vệ sinh trước khi ăn 75,9%, khi ăn thức ăn còn thừa hôm trước đảm bảo HVS 83,3%, nhận thức đúng về nước HVS 62,2%, nơi chế biến thực phẩm đảm bảo HVS 80%, bảo quản thực phẩm sống và chín bằng tủ lạnh HVS 91,9%. Tuy nhiên hiểu biết về thời gian bảo quản thực phẩm tươi sống bằng tủ lạnh HVS của NTD còn thấp chiếm 45,2% và sử dụng dụng cụ chế biến như dao, thớt, rổ dùng cho thực phẩm sống và chín HVS 57,8%
Thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm
Bảng 2: Tỉ lệ NTD thực hành đúng về VSATTP (n = 270)
NTD thực hành chung về VSATTP tương đối tốt 62,22%. Trong đó thực hành về nơi bán thực phẩm chính HVS 36,7%, thực phẩm tươi, sống HVS 40%, sử dụng thực phẩm đồ hộp, bao gói sẵn đảm bảo an toàn, HVS 37%, các loại rau, quả tươi đảm báo hợp vệ sinh trước khi ăn 80,7%, sử dụng dụng cụ chế biến như dao, thớt, rổ dùng cho thực phẩm sống và chín HVS 72,6%, khi ăn thức ăn còn thừa hôm trước đảm bảo HVS 85,9%, đảm bảo nước HVS chế biến TP 39,3%, nơi chế biến thực phẩm đảm bảo HVS 94,1%, bảo quản thực phẩm sống và chín bằng tủ lạnh HVS 90% và bảo quản thực phẩm tươi sống bằng tủ lạnh HVS đúng thời gian 48,9%.
Mối liên quan đến kiến thức về VSATTP
Bảng 3: Mối liên quan giữa đặc điểm dân số xã hội và kiến thức chung (n=270)
NTD ở xã có kiến thức chưa đúng cao gấp 7,38 lần so với những người ở thị trấn (OR= 7,38; p <0,01), NTD có trình độ học vấn từ cấp 1 đến cấp 2 có kiến thức chưa đúng cao gấp 0,06 lần so với những người có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên (OR= 0,06; p <0,01) và người nông dân có kiến thức chưa đúng cao gấp 0,11 lần so với những nghề khác (OR= 0,11; p <0,01).
Bảng 4: Mối liên quan giữa truyền thông chung với kiến thức chung (n=270)
NTD nghe truyền thông về VSATTP có kiến thức đúng về VSATTP cao hơn những người chưa nghe truyền thông (89,4% so với 40,9%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p< 0,01)
Mối liên quan đến thực hành về VSATTP
Bảng 5: Mối liên quan giữa đặc điểm dân số xã hội và thực hành chung (n=270)
Có mối liên quan giữa đặc điểm về nơi ở, đặc điểm về trình độ học vấn và có mối liên quan giữa đặc điểm nghề nghiệp và thực hành chung của NTD về VSATTP (p <0,001). NTD có trình độ học vấn từ cấp 1 đến cấp 2 thực hành chưa tốt cao gấp 0,41 lần so với những người có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên (OR= 0,41; p <0,01)
Bảng 6: Mối liên quan giữa truyền thông chung với thực hành chung
Có sự khác nhau giữa tỉ lệ NTD nghe truyền thông chung và thực hành chung về VSATTP. Sự khác nhau này có ý nghĩa thống kê (p< 0,01)
Bảng 7: Mối liên quan giữa kiến thức chung với thực hành chung
Có mối liên quan chặt chẽ giữa kiến thức chung và thực hành chung của NTD về VSATTP (p< 0,01)
KẾT  LUẬN
Kiến thức và thực hành của người tiêu dùng về VSATTP
Có 81,48% NTD có kiến thức chung đúng và có 62,22% NTD thực hành chung tốt về VSATTP, đây là kết quả khá cao. Tuy nhiên, trong đó NTD vẫn còn một số kiến thức và thực hành chưa đúng về VSATTP: kiến thức về thời gian bảo quản thực phẩm tươi sống bằng tủ lạnh HVS 45,2%; sử dụng dụng cụ chế biến như dao, thớt, rổ dùng cho thực phẩm sống và chín HVS 57,8%; thực hành về nơi bán thực phẩm chính HVS 36,7%; sử dụng thực phẩm đồ hộp, bao gói sẵn đảm bảo an toàn HVS 37%; đảm bảo nước HVS chế biến TP 39,3%.
Các yếu tố liên quan đến kiến thức và thực hành
Có 84,1% NTD nghe được truyền thông chung, trong đó nghe từ đoàn thể, bạn bè và người thân 60,4%; từ thông tin đại chúng 44,4% và từ cán bộ y tế 35,2%. Đây là một kết quả cho chúng ta thấy tính cấp thiết của công tác tập huấn và đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về VSATTP
Có mối liên quan giữa trình độ học vấn, nghề nghiệp với kiến thức và thực hành chung. Đồng thời có mối liên quan giữa nghe truyền thông chung với kiến thức và thực hành chung của NTD về VSATTP. Điều này cho chúng ta thấy sự tiếp cận truyền thông về của NTD VSATTP càng nhiều thì NTD sẽ có kiến thức đúng và thực hành tốt về VSATTP
Có mối liên quan chặt chẽ giữa kiến chung và thực hành chung. NTD có kiến thức chung chưa đúng và thực hành chưa tốt cao gấp 25,7 lần (OR= 25,7; p< 0,01) so với những NTD có kiến thức chung đúng. Như vậy NTD nếu có kiến thức đúng về VSATTP thì sẽ thực hành tốt về VSATTP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 1. Bộ Y tế (2001), Chương trình hành động quốc gia Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Hà Thị Anh Đào, Phạm Thanh Yến, Vũ Thị Hồi, Trần Quang, Huỳnh Hồng Nga, Nguyễn Khánh Trâm (2000), Tình trạng vệ sinh của một số thực phẩm, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 161-169
3.Nguyễn Thị Thu Hà và cộng sự (1995), Nghiên cứu thực trạng chất lượng vệ sinh dịch vụ ăn uống trên đường phố và đề xuất biện pháp quản lý nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm góp phần bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội, tr 8.
4. Đỗ Lê Huấn (1996), Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội. Tình hình dinh dưỡng và chiến lược hành động ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, tr 106
5. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phan Thị Kim (2005), Định hướng hoạt động khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý chất lượng VSATTP giai đoạn 2001-2005, Trong báo cáo khoa học – Hội nghị chất lượng, VSATTP lần 1. TP.HCM, ngày 24-25/10/2001 tr19-26

1 nhận xét:

  1. Chào Bs.
    Em co tình cờ xe, bài báo này, bài khá hay. Tuy nhiên bác nen xem lại việc lập luận OR hay PR là hợp lý trong trường hợp này.
    Chúc bác sức khòe!

    Trả lờiXóa